Tin tức

Hạ tầng giao thông Chơn Thành tạo đà thúc đẩy bất động sản

Hạ tầng giao thông Chơn Thành tạo đà thúc đẩy bất động sản

Các dự án hệ thống đường bộ, đường sắt nối liền Chơn Thành với các địa phương lân cận góp phần gia tăng giá trị bất động sản Bình Phước. 

Huyện Chơn Thành được quy hoạch phát triển để trở thành đô thị công nghiệp trọng điểm của tỉnh Bình Phước, từng bước đáp ứng các điều kiện lên thị xã trong giai đoạn 2020-2025. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp và đô thị bắt đầu tăng cường đầu tư đón đầu lợi thế về hạ tầng giao thông.

Theo quy hoạch, hệ thống đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Hoa Lư kết nối ba địa phương Bình Phước, Bình Dương và TP HCM dự kiến xây dựng sau năm 2020. Tuyến này có chiều dài 69 km, quy mô 6-8 làn xe, nằm trong quy hoạch xây dựng chung của khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư.

Đoạn quốc lộ 14 kết nối Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đi ngang Bình Phước, từ thị xã Đồng Xoài đến trung tâm hành chính huyện Chơn Thành dài 23,6 km. Đường 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80-100 km/h. Đoạn tuyến tránh Chơn Thành có điểm đầu giao với quốc lộ 14, đi theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, giao quốc lộ 13 đi tiếp qua tỉnh Bình Dương. Đoạn qua địa bàn tỉnh dài 9,5 km xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 3.

Bình Phước còn có quốc lộ 13 đi ngang dài 79,9 km, 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Đoạn từ ranh giới tỉnh Bình Dương đến thị xã Bình Long dài 32,7 km, chạy qua thị trấn Chơn Thành được đầu tư BOT với 6 làn xe. Quốc lộ 13 là cầu nối giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vùng ngoại vi, thúc đẩy giao thương quốc tế. Dọc theo tuyến, quỹ đất xây dựng còn tương đối lớn, đồng thời với tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh - Campuchia được quy hoạch sẽ là nhân tố thuận lợi để phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ du lịch dọc tuyến.

Hệ thống đường bộ đi qua địa phương này còn có tuyến Chơn Thành - Dầu Tiếng. Đầu tháng 5/2020, UBND Bình Phước đã có quyết định nâng cấp mở rộng tuyến đường Minh Hưng - Minh Thạnh đi ngang khu công nghiệp Minh Hưng III thông ra quốc lộ 13, là nơi giao thương giữa Chơn Thành - Dầu Tiếng - TP HCM. 

Ngoài hệ thống đường bộ, tính đến năm 2030, Bình Phước sẽ có hai tuyến đường sắt đi ngang. Trong đó, tuyến Dĩ An - Lộc Ninh - Campuchia được quy hoạch tuyến đường sắt xuyên Á (đường đơn), điểm đầu nối với đường sắt quốc gia tại Dĩ An. Đường sắt đi song song với quốc lộ 13 qua ranh giới Campuchia tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư theo nền đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh trước đây. Toàn tuyến dài 128,2 km, đoạn qua Bình Phước khoảng 66,3 km.

Với lợi thế hạ tầng giao thông phát triển, sở hữu quỹ đất rộng, công nghiệp phát triển, chính sách thu hút đầu tư, Chơn Thành có nhiều tiềm năng trở thành khu đô thị công nghiệp mới. Đây còn là điểm đến của các "ông lớn" địa ốc phát triển dự án.

Chat hỗ trợ
Chat ngay
038 7979 888